DÁM QUYẾT ĐỊNH

Ngày xửa ngày xưa có một con suối nhỏ chảy mon men đến gần một sa mạc hùng vĩ. Chợt nó nghe một giọng nói:”Nào, hãy bình tâm bước tiếp”. Nhưng nó sợ hãi trước cảnh hoang sơ, lạ lẫm này. Nó lo lắng trước sự đổi thay. Thâm tâm nó vẫn muốn có thật nhiều nước và chảy dài cùng cuộc sống tươi đẹp nhưng bản thân nó lại chẳng muốn đổi thay dòng chảy, chẳng dám mạo hiểm.

Giọng nói nọ lại tiếp tục vang lên: “Nếu người không dám cất bước thì chẳng bao giờ ngươi có thể hiểu biết mảnh đất dưới chân ngươi. Hãy tin tưởng mọi việc rồi sẽ ổn thỏa với ngươi trên mảnh đất mới lạ này. Nào bình tâm chảy tiếp đi, suối nhỏ”.

Thế rồi suối nhỏ quyết tâm bước tiếp. Và suối nhỏ cảm thấy thân thể bất an. Trên sa mạc oi ả, nóng nực ngày càng tăng lên, cuối cùng dòng suối nhỏ bốc hơi cạn kiệt. Những hạt nước li ti bay lên quần tụ trên cao thành những áng mây trên sa mạc. Những áng mây lang thang ngày qua ngày vượt qua sa mạc đến với biển cả. Rồi mây giăng mưa trên biển lớn.

Bây giờ suối nhỏ đã có một cuộc sống bội phần tươi đẹp hơn cả những giấc mơ ngày thơ ấu. Khi cưỡi sóng êm ái vượt trùng dương, suối nhỏ mỉm cười, suy ngẫm: “Ta đã nhiều lần biến đổi hình hài, nhưng chưa bao giờ ta lại hài lòng với bản thân mình như ngày hôm nay”.

Đối với nhiều người khi đưa ra một quyết định thật là nặng nề, khó khăn. Đặc biệt khi dám chấp nhận rủi ro. Khi đó thường là sự e ngại trước những thay đổi, chuyển dời.

Hoàn cảnh mới sẽ thay đổi nhiều, từ thói quen hàng ngày, nơi ăn chốn ở, đến cộng đồng bầu bạn, người thân quen.

Tất cả đều có sáo trộn nhưng cái đổi thay lớn nhất là thay đổi trong bản thân bạn, tư duy của bạn.

Chính sự thay đổi này làm nhiều người lo lắng băn khoăn. Bạn hãy tự hỏi mình: “Ta chấp nhận hoàn cảnh như ta đang có hay ta muốn ăn nên làm ra, ta muốn thăng tiến?”

Tăng trưởng và mọi đổi thay luôn được dẫn dắt từ một quyết định. Bạn lo lắng cho một quyết định sai lầm là chính đáng. Bạn băn khoăn khi phải rời khỏi lãnh địa thân quen an toàn để đánh đổi một cái gì đó hãy còn tiếm ẩn. Những bước đi này đồng nghĩa với khả năng tăng trưởng: là tiềm ẩn những vận may lớn cho bạn.

QUYẾT ĐỊNH ĐỒNG NGHĨA VỚI ĐỊNH PHẬN

Từ quyết định đã nhắc chúng ta rằng trong quyết định hàm chứa nội dung số phận. Mọi quyết định luôn đi kèm theo một số phận. Khi quyết định là ta đã lựa chọn lấy một khả năng, đồng thời tách ta ra khỏi tất cả các khả năng khác.

Người thực sự đưa ra một quyết định nghiêm túc là người ý thức được mọi khả năng khác đã bật đèn đỏ đối với mình.

Ở những quyết định hệ trọng trong đời sống bao giờ chúng ta cũng phải lựa chọn giửa quá khứ và tương lai. Khi chúng ta quyết định gắn bó với mục tiêu khác, tức là chúng ta đã quyết tự tách mình với những giấc mơ, những ảo ảnh để xây đắp một tương lai đang định hình. Hoặc chúng ta có thể buông xuôi để có đôi tay tự do đi tìm mục tiêu và giấc mơ khác.

Bạn không thể đứng núi nảy trông núi nọ. Bạn phải tự quyết định hoặc ở lại với quá khứ an toàn của bạn hay chia tay với quá khứ để đến với tương lai với những khả năng mới và thực hiện những ước mơ của mình.

Bạn hãy quyết định đi. Bạn muốn níu kéo lấy quá khứ ư? Hay bạn lựa chọn cơ hội cho một tương lai giàu có? Chỉ mình bạn biết được đáp án.

Tự bạn mới có thể biết được liệu mình có thật sự hạnh phúc với cuộc sống hiện tại hay không hay mình cần phải thay đổi một cái gì đấy?

Những biến động luôn khởi đầu bằng những quyết định. Mà quyết định bao giờ cũng gắn với số phận, với được và mất. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm.

AI KHÔNG GIÁM QUYẾT NGƯỜI ĐÓ TỰ TRÓI MÌNH

Bạn có biết ở châu Phi người ta bắt khỉ như thế nào không? Người thợ săn đặt một hòn đá cỡ chừng quả trứng gà vào một hốc cây. Chú khỉ đã sờ thấy hòn đá nọ và muốn kéo nó ra khỏi hốc. Nhưng miệng hốc cây quá bé. Tất nhiên chú khỉ có thể dễ dàng rút tay ra khỏi hốc, nêu chú bỏ hòn đá ra. Nhưng chú đã không đủ bản lĩnh để làm điều đó. Và cuối cùng người thợ săn đã bắt được chú bằng cách thong thả trùm lên người chú một cái bao tải.

Phải chăng, đôi khi chúng ta bị quá khứ giam hãm, bởi một điều gì đấy hay một sự yên ổn chăng? Để rồi chúng ta chịu bó tay trước việc làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên hạnh phúc hơn. Đây là lúc chúng ta phải trả lời câu hỏi rất cơ bản: “Bạn mong muốn đạt được điều gì trong cuộc sống của bạn?”.

Roosevelt một lần đã nói: “Tốt hơn là mạo hiểm làm một việc lớn, nâng cốc mừng đại thắng cho dù có khi sai lầm hoặc chịu mất mát đau thương. Còn hơn là đứng vào hàng ngũ những con chiên chất phác, giản đơn, những con người ít biết đến niềm vui và nỗi đau. Bởi vì họ sống trong miền sáng tối, nơi chẳng có thành công hay thất bại”.

Người thành đạt sống thoáng, không lùi trước khó khăn, biết chấp nhận rủi ro. Vì họ hiểu rằng biết hi sinh cái nhỏ sẽ được cái lớn. Sự nghèo hèn đối với hầu hết người châu Âu không có nghĩa là chịu đói khát mà là phải sống trong những ngày tháng ngớ ngẩn, vô bổ.

Thật là khác biệt khi người vào cuộc chơi chỉ nhằm không thua cuộc với người vào cuộc chơi là để giành chiến thắng. Ai cố gắng để không thua cuộc, người đó chỉ tập trung vào chống rủi ro, tránh nguy hiểm. Người vào cuộc với ý đồ thắng cuộc, anh ta luôn tìm cơ hội để chiến thắng. Bạn nghĩ sao, trong hai người ai là người cảm thấy hạnh phúc hơn.

NGUYÊN NHÂN KHÔNG ĐƯA RA ĐƯỢC QUYÊT ĐỊNH

1. Nhiều người cho rằng suốt đời phải theo đuổi một nghề

Việc lựa chọn nghề nghiệp ở nhiều người thường xảy ra ở thời niên thiếu (ngờ nghệch, vụng dại). Có khi đối với người này quyết định như vậy là tốt thì ở người khác lại không. Rồi một lúc nào đó, họ phải thay đổi quyết định. Vấn đề quan trọng là ở chỗ: Bạn có yêu mến công việc của mình không? Cuộc đời thật quá ngắn ngủi để ngày ngày chạy theo một công việc mà mình không thực sự yêu thích. Bất luận nghề gì, bạn cũng phải chấp nhận một cuộc đua tranh với đồng nghiệp thực sự yêu công việc.

2. Nhiều người nghĩ rằng: “Hạ hồi phân giải”

Những ai không thể đưa ra quyết định người ấy đánh mất lòng tự tin. Không kể những trường hợp bất khả quyết. Ngay cả khi bạn không quyết định, thì chính là lúc bạn quyết định đấy. Bạn đã lựa chọn: tất cả vẫn như cũ. Hoặc bạn chọn phương án bất phân thắng bại: hòa hoãn. Tình trạng này tốn phí quá nhiều công sức. Bạn luôn bị ràng buộc, ám ảnh, chẳng thể nào tự do vận động. Tuy nhiên nhiều người nói rằng: quyết muộn một tí cũng chẳng sao. Bạn hãy hình dung: mục tiêu của bạn đặt trên băng chuyền, nó luôn chuyển động và xa dần bạn. Nếu bạn trì hoãn một thời gian rồi mới quyết định thì mục tiêu đã tuột khỏi tầm tay, thời cơ đã mất.

3. Nhiều người lo lắng cho một quyết định sai lầm

Ở đây không tồn tại khái niệm sai lầm. Khi bạn quyết định là bạn đã chọn cho mình một con đường. Vì vậy bạn chẳng bao giờ biết được, cuộc đời mình rồi sẽ ra sao nếu mình lựa chọn khác đi.

Một ví dụ: Năm nay bạn đang cân nhắc để quyết định đi nghỉ lên rừng hay xuống biển. Và bạn đã lựa chọn vùng núi. Đáng tiếc ở đó mưa dầm dề suốt 10 ngày phép của bạn.

Chắc mọi người đều nói rằng: “Tôi đã quyết định sai lầm”. Chưa hẳn đúng. Bởi vì bạn còn chưa biết điều gì sẽ xảy ra khi bạn quyết định đi biển. Biết đâu bạn bị ngộ độc thức ăn và phải nằm bẹp trên giường cho đến khi hết phép. Trong khi ở vùng núi có khi bạn lại làm quen được với một cô gái xinh đẹp.Trong cái rủi có cái may. Như vậy cái đánh giá ban đầu “quyết định sai lầm” không còn nặng nề nữa. Sự thật là: chúng ta chẳng bao giờ biết chính xác, liệu có tốt hơn không nếu ra quyết định khác đi. Chính vì ta không biết chắc điều gì sẽ xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Suy đi tính lại chắc bạn tâm đắc rằng: mọi quyết định đều vẫn tốt hơn là không quyết định.

4. Nhiều người lại cho rằng họ có thể đưa ra quyết định một cách dễ dàng mà không ngại rủi ro

Một quyết định lý tưởng là một quyết định khi không còn phương án thứ hai. Vì vậy mọi người có khuynh hướng chờ cho đến khi chỉ còn lại một phương án khi mà phương án kia đã đánh mất tính hấp dẫn của nó. Chúng ta đã ngộ nhận – vì lúc này thực ra không còn là một quyết định nữa mà cũng chẳng có sự lựa chọn nào. Chỉ khi bạn cẩn trọng cân nhắc, đánh giá cả hai phương án thì sự lựa chọn mới có tính thuyết phục. Khi bạn đánh giá càng kỹ lưỡng phương án bị loại trừ thì phương án được chọn càng có giá trị. Nếu bạn biết tự trọng, hãy sớm đưa ra những quyêt định.

LÚC ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH LÀ LÚC TA XÁC ĐỊNH SỐ PHẬN CỦA MÌNH

Bạn hãy hình dung trong vài năm tới có một người mới bước vào đời sống của bạn. Người ấy có chìa khóa nhà và ô tô của bạn. Anh ta sẽ sống trong ngôi nhà của bạn, ngồi chung bàn với bạn. Anh ta sự dụng mọi thứ mà bạn phải vất vả làm việc mới sắm được. Anh ra sẽ nhòm ngó vào sổ tiết kiệm của bạn và kiểm tra xem vài năm trở lại đây bạn có làm được cái gì không. Và khi bạn nhìn kỹ vào gương bạn sẽ nhận ra anh ta. Người ấy chính là bạn. Bạn hãy sáng tạo ra con người ấy bằng những quyết định và những việc làm hôm nay.

Dáng dấp con người này ra sao? Anh ta sẽ sống như thế nào? Anh ra sẽ làm gì? Bạn bè là những ai? Anh ta có là người vui tính, có sống hết mình hay không? Tất cả đều tùy thuộc vào những quyết định của bạn hôm nay. Những người ít có lòng tự trọng, thường hay lo giữ mình, chẳng bao giờ dám mạo hiểm điều gì. Họ sống dựa dẫm, bám víu vào những điều mà nhiều bản thân họ cũng chẵng thích thú gì. Nhưng điều rủi ro lớn nhất vẫn còn đó, đó là trong tương lai họ phải chụi một cuộc sống buồn tẻ. Vì vậy có lần một người rất thành đạt đã nói: “Tại sao bạn không dám đối mặt vói hiểm nguy, bạn có ở trên cao đâu mà bạn sợ ngã”.

Người thành đạt quan tâm tới những điều họ thực sự kỳ vọng. Họ quyết định nhanh và kiên trì phấn đấu. Ngược lại nhiều người khác quyết định rất chậm, song lại chóng vánh rời bỏ mục tiêu. Người thành đạt có khả năng quyết định nhanh vì họ biết rõ, họ mong muốn điều gì, vì họ hiểu rằng một quyết định tồi bao giờ cũng còn tốt hơn là chẳng quyết định được gì cả. Chìa khóa của khả năng quyết định nhanh là biết tự lượng sức mình.